Microsoft vừa tuyên bố đã triển khai giai đoạn hai dự án Project Natick, biệt danh “Bắn hạ mặt trăng”, nhằm kiểm tra tính bền bỉ và ổn định của trung tâm dữ liệu dưới nước.
Theo đó, trong 12 tháng tới, Microsoft sẽ đánh giá hiệu quả dự án đã có trên giấy cách đây 4 năm. “Chúng tôi cần biết một trung tâm dữ liệu dưới nước như vậy có thể vận hành an toàn và hiệu quả hay không”, giám đốc dự án Ben Cutler nói.
Trung tâm dữ liệu giúp kết nối các máy chủ với nhau. Về cơ bản, đây là nơi lưu trữ toàn bộ thông tin trên Internet. Khi người dùng lướt web hoặc truy xuất thông tin tài khoản, dữ liệu sẽ được lấy từ trung tâm dữ liệu.
Dự án trung tâm dữ liệu Project Natick cũng có chức năng tương tự nhưng lại được xây dựng trong những chiếc ống dạng tàu ngầm có kích cỡ tương đương một chiếc container, trái với cấu trúc trung tâm dữ liệu khổng lồ và tiêu tốn năng lượng trên mặt đất.
Microsoft xây trung tâm dữ liệu dưới nước.
Dự án mang tên Project Natick với hệ thống hoạt động nhờ năng lượng của thủy triều thông qua các tua bin. Với nhiệt độ thấp và ổn định dưới đáy đại dương, dự án đã thành công trong việc cắt giảm chi phí làm lạnh.
Tuy nhiên, trang International Business Times đưa tin Project Natick không phải là trung tâm dữ liệu mạnh nhất khi sức mạnh chỉ tương đương với 300 chiếc PC. Hơn nữa, mặc dù cắt giảm được khí thải carbon nhưng hệ thống này có thể ảnh hưởng đến môi trường sinh thái biển. Nhiệt độ đại dương tăng lên vì máy móc cũng sẽ tác động đến môi trường sống của các loài sinh vật.
Ý tưởng Natick sẽ chỉ thành công khi hoạt động liên tục trong vòng 5 năm mà không gặp vấn đề gì (do đó không cần bảo trì). Sau giai đoạn này, các module Natick sẽ được đưa lên mặt đất để nâng cấp linh kiện.
Thực tế, các ý tưởng như Natick không phải là hiếm gặp. Phần lớn các nhà máy điện của con người đang được xây dựng gần sông và biển để sử dụng các nguồn nước này làm nơi “xả” nhiệt lượng cho nhà máy. Các trung tâm dữ liệu cũng học hỏi theo ý tưởng này. Vào 2011, Google mở cửa một trung tâm dữ liệu tản nhiệt bằng nước biển tại Phần Lan. Microsoft thì từ 2009 đã phát triển các module trung tâm dữ liệu cỡ nhỏ có thể được triển khai một cách nhanh chóng. Khi kết hợp 2 ý tưởng này lại với nhau, Microsoft đã tạo ra Natick.
Phong Linh (t/h)