Bộ Thông tin và truyền thông (TT&TT) đang nghiên cứu xây dựng Bộ Quy tắc sử dụng mạng xã hội dành cho 3 nhóm đối tượng gồm: Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ; Các tổ chức nghề nghiệp, chính trị, xã hội và các cá nhân.
Để làm rõ hơn vấn đề này, ông Lê Quang Tự Do, phó Cục trưởng cục Quản lý Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) đã có cuộc trao đổi với báo chí.
Ông Lê Quang Tự Do, phó Cục trưởng cục Quản lý Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT).
Tăng cường nhân lực kiểm soát thông tin xấu, độc
Với phạm vi tiếp cận rộng rãi, tốc độ lan truyền nhanh và khó kiểm soát, mạng xã hội như “con dao hai lưỡi”, có thể giúp lan tỏa những điều tốt đẹp nhưng cũng dễ bị lợi dụng làm công cụ xuyên tạc, bôi xấu hình ảnh người khác, gây nhiều hệ lụy. Để tiết chế được cái xấu và lan tỏa được cái tốt, cơ quan quản lý có những biện pháp gì?
Ông Lê Quang Tự Do: Để quản lý được mạng xã hội, biến nó trở thành môi trường lành mạnh, an toàn, hữu ích cho người dùng thì cần sự chung tay của tất cả các bên chứ không chỉ về phía cơ quan quản lý Nhà nước. Quan trọng và có trách nhiệm cao nhất chính là người sử dụng mạng xã hội. Họ phải có trách nhiệm khi đăng, chia sẻ thông tin và bình luận về các sự việc trên mạng xã hội.
Ông có thể cho biết cụ thể trách nhiệm của người sử dụng mạng xã hội là gì?
Ông Lê Quang Tự Do: Người sử dụng mạng xã hội có 3 trách nhiệm chính. Một là trách nhiệm về phát ngôn, bình luận, phải làm sao hướng tới đưa điều tích cực, có ích lên mạng xã hội, giữ gìn chuẩn mực văn hóa, ứng xử khi tham gia mạng xã hội. Hiện nay, có một bộ phận người dùng mạng xã hội, đặc biệt giới trẻ đang tự cho mình là con người khác khi dùng mạng xã hội, vì “sống ảo” nên họ sử dụng ngôn từ không thể hiện tính tốt đẹp của văn hóa con người Việt Nam, thậm chí theo trào lưu tiêu cực của thế giới.
Trách nhiệm thứ 2 về chia sẻ thông tin, người dùng mạng xã hội cần chia sẻ thông tin có ích, tích cực và hạn chế thông tin xấu, tiêu cực, chưa rõ nguồn gốc và có thể gây hại cho người khác. Đặc biệt, phải cẩn trọng khi chia sẻ thông tin.
Trách nhiệm thứ 3 là hưởng ứng trào lưu tích cực, tốt đẹp trên mạng, phản bác lại thông tin tiêu cực, có hại với cộng đồng và quốc gia, dân tộc. Với người dùng mạng xã hội, họ nhất thiết phải có 3 trách nhiệm đó.
Còn với những nhà cung cấp dịch vụ, trách nhiệm của họ thế nào?
Ông Lê Quang Tự Do: Họ phải có trách nhiệm hơn trong việc quản lý nội dung thông tin trên nền tảng dịch vụ mình cung cấp, vì hiện nay nhiều nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội cho mình là công ty công nghệ.
Song, trên thực tế, nhiều quốc gia, trong đó có cả Mỹ đã chứng minh rằng, các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội như: Facebook, YouTube không chỉ đơn thuần là công ty công nghệ, mà họ còn là những nhà xuất bản nội dung khổng lồ và khi đó, họ phải chịu trách nhiệm về nội dung đăng tải trên nền tảng dịch vụ mà mình cung cấp, xuất bản.
Đặc biệt, họ phải có trách nhiệm quản lý, kiểm duyệt, tránh nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật, làm vẩn đục nền tảng và mục đích tốt đẹp mà họ cung cấp.
Bởi vậy, gần đây, các mạng xã hội lớn như Facebook hay Google đã nhận ra điều này, nên đã tăng cường các biện pháp kỹ thuật cũng như thuê thêm rất nhiều nhân sự giám sát nội dung vi phạm. Mỗi mạng xã hội trên đã thuê khoảng 3.000 người để làm nhiệm vụ giám sát, nhanh chóng rà soát, nắm bắt và ngăn chặn các thông tin vi phạm. Còn trước đây họ chủ yếu dùng bộ lọc về thuật toán kỹ thuật nên để lọt rất nhiều nội dung vi phạm.
Vậy, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước là gì, thưa ông?
Ông Lê Quang Tự Do: Cơ quan quản lý Nhà nước phải bổ sung ban hành những văn bản quy phạm pháp luật quản lý về nội dung thông tin trên mạng xã hội theo kịp sự phát triển như vũ bão của internet nói chung và mạng xã hội nói riêng. Chính sự phát triển này khiến các quy định của chúng ta nhanh chóng bộc lộ bất cập nên phải có biện pháp, kể cả trong thay đổi, điều chỉnh cách ban hành văn bản quy định để theo kịp tốc độ phát triển của mạng xã hội.
Cùng với đó, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dùng mạng xã hội cũng như có những chế tài, biện pháp thanh, kiểm tra để chấn chỉnh hoạt động vi phạm trên mạng xã hội, lợi dụng mạng xã hội phục vụ cho mục đích xấu.
Xây dựng Bộ Quy tắc sử dụng mạng xã hội
Mới đây, dư luận bàng hoàng trước vụ việc một nữ sinh ở Nghệ An đã tự tử vì không chịu được những lời bình phẩm mang tính miệt thị sau khi bức ảnh ghi lại cảnh thân mật của nữ sinh này với bạn khác giới bị phát tán trên mạng xã hội. Trước đó, cũng không ít vụ việc đau lòng đã xảy ra, xuất phát từ những tổn thương tâm lý có nguyên nhân từ việc “ném đá hội đồng” trong “thế giới ảo”. Ông nhận định thế nào về tình trạng này?
Ông Lê Quang Tự Do: Đó là một thực tế đáng lo ngại và đáng báo động. Thông thường, một khi con người tham gia mạng xã hội bằng danh tính ảo thì nó tất yếu sẽ dẫn đến những hành động thiếu trách nhiệm, vì họ nghĩ rằng không ai biết mình, mình không chịu sự điều chỉnh, giám sát của pháp luật, cộng đồng. Bởi vậy, những người này dễ nảy sinh tâm lý thực hiện hành vi không tốt đẹp, thậm chí vi phạm pháp luật. Biểu hiện của việc này là họ thường tung tin thất thiệt, nói xấu, xúc phạm, miệt thị nhau trên mạng xã hội.
99% thông tin trên mạng xã hội là hữu ích và vô hại
Theo ông Lê Quang Tự Do, theo thống kê mạng xã hội Facebook và Google thông báo lên bộ TT&TT thì thông tin hữu ích và vô hại chiếm tới 99% trên mạng xã hội. Bộ TT&TT cũng thấy rõ thông tin tích cực và vô hại chiếm phần lớn, còn thông tin xấu, độc, có hại chiếm một lượng rất nhỏ. Tuy nhiên, đặc điểm của mạng xã hội có tính lan tỏa nhanh, mạnh mẽ, cùng thói quen của người sử dụng chỉ quan tâm đến những thông tin thời sự, nóng bỏng, giật gân nhưng lại không quan tâm đến tính xác thực. Chính 2 đặc điểm này cộng lại nên thông tin xấu, độc, có hại tuy rất ít nhưng lại được chia sẻ, lan tỏa mạnh mẽ, làm vẩn đục môi trường mạng xã hội. Tình trạng này không chỉ ở nước ta mà còn là vấn nạn chung trên toàn cầu.
Bởi vậy, trước tiên, người dùng mạng xã hội phải tự bảo vệ bản thân trước những mặt trái của loại hình này, phải tự nâng cao hiểu biết, bảo vệ mình trước những nguy cơ bằng cách tránh chia sẻ thông tin riêng của cá nhân, biết sử dụng các công cụ mạng xã hội cung cấp để bảo vệ thông tin cũng như nội dung riêng tư của mình.
Mới đây, khi chúng tôi làm việc với Facebook và Google, họ cho biết, qua khảo sát của họ, người dùng mạng xã hội ở Việt Nam phần lớn không biết các công cụ tự bảo vệ mà họ cung cấp. Những người này chỉ vào Facebook để xem thông tin, bình luận, chia sẻ mà không biết đến các công cụ như chống xem trộm, chống rò rỉ thông tin.
Bên cạnh đó, cần có quy định mới thắt chặt danh tính thật của người tham gia mạng xã hội, vì chỉ khi người thật việc thật thì trách nhiệm của người dùng mới được nâng cao, từ đó sẽ hạn chế tình trạng đáng lo ngại nói trên. Đồng thời, cần có quy định cụ thể, chặt chẽ, ràng buộc đối với hành vi ứng xử trên mạng xã hội.
Hiện, bộ TT&TT đang nghiên cứu xây dựng Bộ Quy tắc sử dụng mạng xã hội dành cho 3 nhóm đối tượng, gồm: Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ; Các tổ chức nghề nghiệp, chính trị, xã hội và các cá nhân.
Vậy, bộ TT&TT kỳ vọng gì khi đề xuất xây dựng Bộ Quy tắc này và liệu nó có phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành?
Ông Lê Quang Tự Do: Kỳ vọng lớn nhất là sẽ có thêm quy định mềm bên cạnh các quy định cứng của pháp luật để điều chỉnh hành vi, ứng xử trên mạng xã hội cho các nhóm đối tượng khác nhau, do người dùng mạng xã hội trong từng nhóm đối tượng chủ động tham gia để góp phần xây dựng mạng xã hội lành mạnh, an toàn tại Việt Nam.
Bộ Quy tắc này không phải văn bản quy phạm pháp luật mà nó là những quy tắc quy định ứng xử có tính cụ thể, phù hợp với đặc thù của từng nhóm đối tượng, do chính các nhóm đó thỏa thuận ban hành để góp phần xây dựng mạng xã hội lành mạnh, an toàn hơn.
Tức là căn cứ vào bộ quy tắc ứng xử khung mà Bộ TT&TT đề xuất, các tổ chức, các nhóm đối tượng sẽ dựa vào đó để đưa ra nội quy của tổ chức mình, điều chỉnh hành vi của người dùng khi tham gia mạng xã hội trong tổ chức mình. Vì quy định của pháp luật phải hướng đến phổ quát tất cả các đối tượng, không thể đi sâu điều chỉnh hành vi của từng nhóm đối tượng đặc thù. Ví dụ, cùng là người sử dụng mạng xã hội nhưng nhà báo cần có quy định chặt chẽ, khắt khe hơn so với công dân bình thường, vì nhà báo có nguồn tin và có sức tác động dư luận xã hội nhiều hơn.
Chúng tôi khuyến khích với bộ khung quy tắc bộ TT&TT xây dựng và đề xuất thì các tổ chức, DN hay hội nghề nghiệp sẽ căn cứ vào đó để ra nội quy cùng chế tài phù hợp với đặc thù của tổ chức mình, từ đó sẽ có tính răn đe hơn khi chỉ áp dụng quy định cứng chung mà pháp luật đã ban hành.
Nhiều ý kiến băn khoăn liệu việc Ban hành Bộ Quy tắc này có phải là một cách hạn chế người dùng mạng xã hội?
Ông Lê Quang Tự Do: Không, cái đó là khác. Cái quan trọng ở đây là các quy tắc ứng xử đó có tính thuyết phục và được cộng đồng ủng hộ, chấp thuận, nó không phải quy tắc bắt buộc do cơ quan quản lý Nhà nước ban hành, mà do người dùng trong các tổ chức hoặc cá nhân ủng hộ mà đề ra.
Bộ TT&TT không ban hành Bộ Quy tắc đó mà đề xuất xây dựng khung cùng yêu cầu chung để các tổ chức, đơn vị căn cứ vào đó đề ra Bộ Quy tắc ứng xử phù hợp đơn vị mình, gắn với chế tài của từng đơn vị, nó giống như nội quy và chế tài của từng cơ quan.
Theo Báo Giao thông