Vi khuẩn HP có tỉ lệ nhiễm cao nhất nước ta và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây các bệnh dạ dày thậm chí ung thư dạ dày. Nhiễm vi khuẩn HP ngày một gia tăng không chỉ ở người lớn mà còn ở trẻ em. Vậy đâu là dấu hiệu nhiễm vi khuẩn HP ở trẻ em?
Vi khuẩn HP là gì?
Vi khuẩn Helicobacter Pylori (viết tắt là HP)là xoắn khuẩn Gram âm thường tồn tại ở niêm mạc dạ dày, tá tràng của con người. Nó tiết ra enzym urease tạo ra môi trường trung tính xung quanh nó; từ đây làm dạ dày tăng tiết nhiều acid dịch vị hơn. Ngoài ra HP còn tiết ra những yếu tố gây độc tế bào gây tổn thương niêm mạc của dạ dày. Các cơ chế này dẫn đến sự mất cân bằng giữa yếu tố bảo vệ và yếu tố tấn công, dẫn đến tổn thương ở niêm mạc đường tiêu hóa. Nếu không chữa trị, chúng sẽ phát triển thành những ổ viêm loét ở dạ dày, nguy hiểm hơn sẽ trở thành các biến chứng nguy hiểm.
Những dấu hiệu trẻ em nhiễm vi khuẩn HP phổ biến là:
Đau bụng
Tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa sẽ khiến trẻ bị đau bụng. Tình trạng đau lặp lại nhiều lần và thường đau tăng sau khi ăn. Khác với người lớn chỉ đau ở vùng thượng vị, vị trí đau của mỗi trẻ có thể khác nhau. Điều này làm các bố mẹ nhầm lẫn với các bệnh tiêu hóa khác. Do đó, khi trẻ đau bụng, cần theo dõi và đưa trẻ tới bác sĩ để được chẩn đoán chính xác.
Buồn nôn, nôn
Khi dạ dày của trẻ không hoạt động bình thường, gây ứ đọng thức ăn, lâu dầu sẽ sinh ra các khí tạo áp lực ở dạ dày của trẻ. Vì vậy khi ăn, áp lực trong dạ dày sẽ tăng cao hơn làm trẻ có xu hướng nôn ra ngoài để giảm bớt áp lực. Ngoài ra, điều này cũng dẫn đến tình trạng chướng bụng ở trẻ. Khi gặp những dấu hiệu này, trẻ thường trở nên chán ăn dẫn đến mệt mỏi và suy dinh dưỡng.
Rối loạn tiêu hóa
Chức năng dạ dày không tốt làm cho tiêu hóa thức ăn trở nên kém đi. Trẻ có thể bị những rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón,… Nếu thấy những dấu hiệu này xuất hiện thường xuyên, phụ huynh cần đưa trẻ đến các cơ sở khám chữa bệnh để tìm rõ nguyên nhân và điều trị.
Hôi miệng
Bên cạnh việc tồn tại ở niêm mạc đường tiêu hóa, vi khuẩn HP còn tồn tại ở nước bọt và các mảng bám ở răng miệng. Chúng sinh ra khí, khi kết hợp với các khí khác làm cho hơi thở của trẻ có mùi.
Đi ngoài phân đen, ói ra máu
Khi nhiễm khuẩn HP trong một thời gian dài mà không được điều trị, những tổn thương trên niêm mạc dạ dày của trẻ ngày càng phát triển hơn dẫn đến xuất huyết tiêu hóa. Trẻ sẽ có dấu hiệu đi ngoài phân đen, ói ra máu; kèm theo tình trạng thiếu máu dẫn đến xanh xao, nhợt nhạt. Đây là một trong những biến chứng nguy hiểm cần phát hiện và điều trị kịp thời tránh hậu quả đáng tiếc.
Khi xuất hiện những dấu hiệu trên, trẻ cần được đưa đến các cơ sở y tế để làm xét nghiệm chẩn đoán. Có 2 loại xét nghiệm để tìm vi khuẩn HP là xét nghiệm xâm lấn và không xâm lấn. Bước đầu tiên của xét nghiệm xâm lấn là nội soi và lấy mẫu sinh thiết trong dạ dày của trẻ, sau đó sử dụng các phương pháp nuôi cấy, mô học, test urease,…. để tìm vi khuẩn. Xét nghiệm này cho tỉ lệ chính xác cao hơn. Tuy nhiên không phải đối tượng trẻ em nào cũng có thể làm xét nghiệm này mà sẽ làm xét nghiệm không xâm lấn như: test thở ure, tìm kháng nguyên…. Trong đó test thở urease được sử dụng phổ biến hiện này. Để làm được xét nghiệm cần một số điều kiện: trẻ phải nhịn đói trên 4 giờ, ngừng kháng sinh trên 4 tuần và ngừng sử dụng các thuốc giảm tiết acid trong 2 tuần để có thể đạt độ chính xác trong xét nghiệm.
Sau khi được làm các xét nghiệm chẩn đoán, bác sĩ sẽ nắm rõ được tình trạng bệnh của trẻ để đưa ra phác đồ điều trị hợp lý. Với trường hợp dương tính với vi khuẩn HP, sẽ cần điều trị để diệt vi khuẩn này. Các phác đồ điều trị hiện này, dùng kháng sinh như Clarithromycin, Amoxicillin,… để diệt khuẩn kết hợp với các thuốc để điều trị triệu chứng.