Cứ đến hẹn lại lên càng sát Tết thì nhu cầu đổi tiền mới của người dân ngày càng tăng cao. Trong khi các ngân hàng giới hạn việc đổi tiền lẻ, tiền mới in thì giao dịch ngoài thị trường lại diễn ra khá sôi động, càng tới thời điểm cận Tết càng “nóng”. Mức phí giao dịch cũng được điều chỉnh tăng lên so với trước.
Phí càng cao khi sát Tết
Khoảng tầm tháng 10 lịch thì phí đổi tiền lúc đó còn khá thấp do nhu cầu chưa nhiều. Mệnh giá 1.000 đồng, 2.000 và 5.000 đồng, mức phí khoảng 10%; 10.000 đồng thì phí là 8%… có nghĩa là cứ 1 triệu đồng tiền mệnh giá này người đổi sẽ phải mất phí 80- 100 nghìn đồng.
Nhưng chỉ cần sang tháng 11 tháng 12 âm lịch thôi thì mức phí đổi tiền mệnh giá 500 đồng đã tăng từ mức 200% lên gần 300% – 400%. Cụ thể tiền mệnh giá 500 đồng, nếu đổi 100 tờ (tức 50.000 đồng), thì khách hàng bị mất phí 200.000 đồng (gấp 4 lần số tiền đổi). Các tờ tiền mệnh giá 10.000-100.000 đồng cũng tăng từ 5% lên 10%. Các “tay buôn” cho hay, càng sát Tết thì phí đổi sẽ đắt hơn, tiền lẻ mệnh giá dưới 10.000 đồng sẽ càng khan hiếm. Đặc biệt, tiền mệnh giá càng nhỏ thì phí đổi càng cao.
Hoạt động đối tiền lẻ không chỉ diễn ra sôi nổi ở những khu vực cố định quen thuộc từ bao năm nay như phố Nguyễn Xí, Hà Trung, Đinh Lễ, Đinh Tiên Hoàng … mà trên các trang web trực tuyến, mạng xã hội cũng hấp dẫn không kém. Không khó để có thể tìm ra một trang mạng cung cấp dịch vụ đổi tiền lẻ với một cú nhấp chuột. Những trang web này cung cấp đầy đủ địa chỉ, số điện thoại, thậm chí còn khẳng định đổi bao nhiêu cũng có với điều kiện giá cao.
Thói quen không dễ bỏ?
Theo Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ, việc xử phạt đối với hoạt động không được phép thì đối với hoạt động đổi tiền lẻ có thu phí nếu bị phát hiện sẽ bị phạt 20 – 40 triệu đồng. Tuy nhiên, nhu cầu đổi tiền lẻ, tiền mới của khách hàng luôn tăng cao và sinh lợi nhuận tốt. Vì thế, các dịch vụ đổi tiền vẫn tiếp tục sôi động.
Một việc làm dường như phi lý và vi phạm pháp luật như đổi tiền lẻ mất phí nhưng nhiều người vẫn vô tình tiếp tay cho hoạt động này, và đây là một thói quen cần được thay đổi. Phần lớn tiền mệnh giá nhỏ được người dân dùng cho các hoạt động lễ hội, tín ngưỡng. Nhưng cũng sẽ thật phản cảm nếu tại các khu vực di tích, lễ hội,… chứng kiến hình ảnh những tờ tiền rải đầy các ban thờ, giắt vào các khe hở trên tượng Phật, cành cây hoặc rơi trên đất bị nhiều người giẫm lên. Đó không chỉ là hành động làm giảm giá trị của đồng tiền Việt Nam mà còn là một sự lãng phí lớn.
Nhiều năm trở lại đây, NHNN chủ trương không phát hành nhiều tiền mới in mệnh giá nhỏ ra lưu thông dịp Tết Nguyên Đán. Từ đó để thấy, việc các cơ quan quản lý và truyền thông tăng cường phối hợp tuyên truyền, vận động người dân sử dụng tiền mệnh giá nhỏ một cách hợp lý, đúng mục đích là cần thiết và phải được đẩy mạnh hơn nữa.