Có tới 90% dân số bị viêm loét dạ dày tá tràng nguyên nhân là do vi khuẩn HP, sự xuất hiện của vi khuẩn HP làm tăng nguy cơ của ung thư dạ dày. Chính vì thế khi phát hiện bạn nhiễm vi khuẩn HP cần điều trị kháng sinh theo phác đồ và tuân thủ thời gian quy định.
1. Những vấn đề liên quan đến điều trị diệt vi khuẩn HP
Vi khuẩn HP ( Helicobacter pylori ) là loại vi khuẩn cư trú tại dạ dày, nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh viêm loét dạ dày tá tràng và làm tăng nguy cơ gây bệnh ung thư dạ dày.
Người bệnh nên đi khám tiêu hóa để phát hiện có nhiễm HP khi: Có các dấu hiệu bệnh viêm loét dạ dày tá tràng hay khi trong gia đình có người bị ung thư dạ dày, viêm loét dạ dày tá tràng…
Vi khuẩn HP rất đề kháng với kháng sinh nên việc điều trị thường phải phối hợp 2 thuốc kháng sinh trở lên và phải theo dõi quá trình diệt trừ HP bằng các phương pháp xét nghiệm cận lâm sàng.
Việc sử dụng kháng sinh điều trị HP phải tuân thủ theo sự chỉ dẫn của bác sĩ và không được tự ý sử dụng kháng sinh khi chưa có chẩn đoán dương tính với HP để tránh tình trạng kháng kháng sinh của vi khuẩn HP.
Trong quá trình điều trị người bệnh nên kiêng hoàn toàn rượu và thuốc lá.
2. Chẩn đoán viêm dạ dày do HP
Các phương pháp trong Y học được áp dụng để phát hiện vi khuẩn HP bao gồm:
- Phương pháp xâm lấn: Bệnh nhân được tiến hành nội soi dạ dày tá tràng, đánh giá chung tình trạng bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng. Đồng thời khi soi xong bác sĩ lấy một mẫu mô sinh thiết tiến hành test urease nhanh, làm sinh thiết mô bệnh học hay nuôi cấy vi khuẩn.
- Phương pháp không xâm lấn: Phương pháp này người bệnh có thể biết mình có nhiễm vi khuẩn HP hay không mà không cần phải nội soi dạ dày tá tràng, với 3 cách sau:
- Test hơi thở: Có thể được sử dụng trước khi điều trị để phát hiện vi khuẩn HP và sau khi điều trị để đánh giá tình trạng diệt HP thành công
Xét nghiệm tìm vi khuẩn HP trong phân: Cũng là phương pháp tìm HP có thể dùng trước và sau điều trị HP
Xét nghiệm tìm kháng thể kháng HP trong máu (ít được áp dụng)
3. Phương pháp điều trị viêm dạ dày HP dương tính
Theo hội khoa học Tiêu Hóa Việt Nam điều trị diệt vi khuẩn HP được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Tất cả các trường hợp có loét dạ dày tá tràng có HP dương tính.
- Viêm dạ dày HP dương tính
- Gia đình có người bị ung thư dạ dày, loét dạ dày tá tràng
- Viêm teo dạ dày mạn tính
- Sau phẫu thuật ung thư dạ dày
- Điều trị dài ngày với thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
- Thiếu máu thiếu sắt không rõ nguyên nhân, xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn..
Phác đồ điều trị viêm dạ dày với HP dương tính: Dưới đây là những phác đồ điều trị diệt trừ HP đang được áp dụng, mục tiêu điều trị là diệt ít nhất từ 80-95% vi khuẩn HP
PPI là thuốc ức chế bơm proton, có tác dụng giảm tiết acid dịch vị.
Phác đồ 3 thuốc chuẩn ban đầu: PPI và 2 loại kháng sinh. Thời gian sử dụng từ 10-14 ngày.
PPI: ức chế bơm Proton giảm acid dịch vị, thường dùng là omeprazol 01 viên 2 lần trên ngày.
Amoxicillin 1g/lần ngày 2 lần
Clarithromycin 500mg/lần ngày 2 lần
Hoặc
PPI: 2 lần trên ngày.
Amoxicillin 1g/lần ngày 2 lần
Metronidazole 500mg/ lần ngày 2 lần
Phác đồ 4 thuốc áp dụng khi phác đồ 3 thuốc chuẩn thất bại hay trước đó đã dùng kháng sinh nhóm macrolid (clarithromycin). Thời gian sử dụng thuốc là từ 10-14 ngày.
PPI ngày 2 lần
Tinidazole hay Metronidazole 500mg/ lần ngày 2 lần
Bismuth 120mg/4 viên/ ngày chia 2 lần
Hoặc
PPI: 2 lần trên ngày.
Amoxicillin 1g/lần ngày 2 lần
Clarithromycin 500mg/lần ngày 2 lần
Metronidazole 500mg/ lần ngày 2 lần
Phác đồ điều trị HP nối tiếp
5 ngày đầu : PPI+Amoxicillin
5 ngày tiếp theo: PPI+Clarithromycin+Tinidazole
Phác đồ cứu vãn: Khi điều trị thất thất bại với các phác đồ trên
PPI-levofloxacin-amoxicillin
PPI-rifabutin-levofloxacin
PPI-rifabutin-amoxicillin
PPI-bismuth-tetracycline-amoxicillin
PPI-furazolidone-amoxicillin
PPI-bismuth-doxycycline-amoxicillin
PPI-amoxicillin (liều cao 1gx 3 lần /ngày)
PPI-bismuth-tetracycline-furazolidone
Việc điều trị HP không hề đơn giản, nên người bệnh phải tuyệt đối tuân thủ những chỉ định của bác sĩ trong suốt quá trình điều trị. Sau khi hết một đợt điều trị người bệnh được tiến hành đánh giá diệt HP thành công hay chưa.
Bệnh viêm dạ dày với HP dương tính cần được điều trị theo phác đồ kịp thời, tránh nguy cơ bệnh trở thành loét dạ dày. Người bệnh không nên tự đoán bệnh và tự ý dùng kháng sinh mà cần được kiểm tra tìm HP trước khi tiến hành diệt HP.