Quỹ đất TP HCM ngày càng khan hiếm và giá cao, kèm theo là chính quyền siết chặt thủ tục đầu tư dự án. Điều đó dẫn đến nhiều doanh nghiệp địa ốc TP HCM có xu hướng dịch chuyển về các khu vực khác để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Theo chuyên gia bất động sản Long Phát, xu hướng này sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Sôi động M&A thị trường bất động sản tỉnh lẻ
Theo nguồn tin của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, thời gian gần đây, Địa Ốc Long Phát, một doanh nghiệp có khá nhiều dự án tại TP HCM đã mua lại thành công một dự án bất động sản tại huyện Long Thành và đang lên kế hoạch triển khai dự án này.
Giá trị thương vụ này chưa được tiết lộ, song theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, đây là dự án có quy mô diện tích lớn, được tỉnh Đồng Nai đưa ra đấu giá vào tháng 5 vừa qua với sự tham gia của khá nhiều “đại gia” tên tuổi như Hưng Thịnh, Đất Xanh…
Ngoài những doanh nghiệp kể trên, còn nhiều doanh nghiệp tên tuổi khác của TP HCM cũng rót tiền về tỉnh lẻ thực hiện các thương vụ M&A dự án bất động sản.
Hay một loạt đại gia bất động sản lớn khác ở TP HCM cũng đã rộn ràng, hoặc âm thầm mở rộng phạm vi phát triển ra các thị trường mới như Phúc Khang Corp với chuỗi sản phẩm nghỉ dưỡng tại Phan Thiết, Danh Khôi Việt với dự án ở Cam Ranh (Khánh Hòa), Novaland với khá nhiều dự án có quy mô lớn ở Phan Thiết, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cần Thơ…
“Sân chơi” mới nhiều hứa hẹn
“TP HCM đang ngày càng trở nên đắt đỏ và quá ôm đồm, trong khi cuộc sống của người dân đô thị ngày càng cải thiện, nhu cầu thụ hưởng cuộc sống yên bình, nghỉ dưỡng ngày càng gia tăng, thì câu chuyện người dân làm việc tại TP HCM, cuối tuần ra Nha Trang, Phan Thiết hay Bà Rịa – Vũng Tàu nghỉ ngơi sẽ ngày một phổ biến”, ông Trần Lê Thanh Hiển, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Danh Khôi Việt nhận định, đồng thời cho rằng, sự phát triển của thị trường ngách này sẽ tùy thuộc vào mạng lưới kết nối hạ tầng giữa các khu vực. Mức giá bất động sản tại nơi có hạ tầng cơ sở tốt luôn luôn được đánh giá cao.
Việc nhiều chủ đầu tư lớn rót tiền đầu tư dự án ở các dự án ở thị trường tỉnh lẻ đã kéo theo các nhà đầu tư thứ cấp chuyển hướng dòng tiền về các thị trường này, nhất là đối với những địa phương có biển, phù hợp với nhu cầu nghỉ dưỡng, đầu tư cho thuê và có hạ tầng phát triển như Bà Rịa -Vũng Tàu, Phan Thiết, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc…
Ông Dương Minh Tiến, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Asia New Time cho rằng, việc giá nhà đất tại TP HCM tăng quá nóng thời gian qua là một trong những nguyên nhân chính khiến làn sóng đầu tư nhà đất ở tỉnh lẻ tăng mạnh. Cụ thể, giá nhà đất tại TP HCM đã tăng trung bình từ 16 – 40%, đặc biệt nhiều khu vực tăng 20 – 30%, thậm chí có nơi tăng đến 50% trong 1 năm qua.
“Trong bối cảnh thị trường nhà đất TP HCM tăng quá nóng như hiện nay, nhiều khả năng trong thời gian tới, dòng tiền từ nhà đầu tư sẽ đổ dồn về các thị trường ngách, trong đó Bà Rịa – Vũng Tàu, Phan Thiết, Cần Thơ, Đồng Nai hứa hẹn là những điểm đến lý tưởng”, ông Tiến đánh giá.
Tuy vậy, có một thực tế hiện nay của TP HCM là quỹ đất ngày càng eo hẹp và đắt đỏ, thủ tục để đầu tư dự án ngày càng bị siết chặt, dẫn đến các doanh nghiệp địa ốc TP HCM gặp nhiều khó khăn trong việc tạo quỹ đất, đưa sản phẩm ra thị trường. Vì thế, đầu tư tại các tỉnh lẻ, những khu vực có kết nối hạ tầng giao thông tốt sẽ trở thành “sân chơi” đầu tư mới của các doanh nghiệp địa ốc thông minh nhắm đến.