Nếu bạn là người quan tâm đến chăn nuôi hay các sản phẩm được thiết kế từ những loại vật liệu tốt nhất hiện nay thì hẳn bạn đã từng nghe đến hầm biogas composite – hệ thống xử lý chất thải trong chăn nuôi. Vậy quy trình để lắp đặt hầm như thế nào? Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn nhé!
Cần xác định vị trí lắp đặt chính xác khi đặt hầm biogas composite
Trong quá trình chọn lựa vị trí để đảm bảo cho quá trình lên gas hiệu quả nhất và không ảnh hưởng đến những hoạt động sinh hoạt cũng như sản xuất khác, khi lựa chọn chúng ta phải để ý những điều kiện sau:
- Địa điểm đặt hầm phải đảm bảo về diện tích, tức là phù hợp với kích thước hầm biogas composite cần lắp đặt.
- Chú ý khi lắp đặt cần phải gần nơi có nguyên liệu. Ví dụ nếu là chất thải chăn nuôi thì phải gần các chuồng bãi chăn nuôi, còn nếu muốn thông với nhà vệ sinh thì cần một đường ống chạy thẳng từ bồn vệ sinh tới cửa nạp của bể, đồng thời phải làm một rãnh thoát phụ dành cho các các chất tẩy rửa trong quá trình dọn dẹp bị chảy vào bể nạp biogas composite.
- Đáp ứng các yêu cầu về môi trường xung quanh: Để có điều kiện lên khí nhanh và hiệu quả nhất, cần có nhiệt độ thích hợp, nên gần ánh mặt trời nhưng kín gió mới đảm bảo.
Trình tự các bước lắp đặt hầm biogas composite
Sau khi đã nắm được các khâu chuẩn bị cơ bản nhất, chúng ta cùng tìm hiểu về giai đoạn lắp đặt cụ thể tiếp theo:
Vệ sinh các mối tháo và khoan lắp lỗ khí
Vì bể biogas composite được thiết kế tháo rời để dễ dàng trong quá trình vận chuyển lắp đặt nên cần phải vệ sinh các mối tháo này trước khi khoan lỗ khí cho bể biogas composite.
Đầu các mối ghép được làm sạch bằng giấy nhám để có độ mịn và khớp trước khi ghép nối các bộ phận của hầm lại với nhau.
Công việc này cần phải làm cẩn thận và tỉ mỉ cả bên nắp trên và nắp dưới:
- Đánh nhám 2 bên của nắp trên
- Đánh nhám các vị trí tiếp xúc với nắp trên ở bên nắp dưới
Làm keo
Keo và bột được pha trộn theo tỷ lệ nhất định, thường là 1:1 để gia cố vào những mối nối như phần lắp ống thu khí bên trên. Cách pha keo và bột như sau:
- Chuẩn bị một cái xô để đựng hỗn hợp
- Cho 1 phần keo vào xô trước
- Tiếp theo cho 1 phần bột vào sau
- Trộn đều và kỹ sau đó có thể sử dụng. Nếu thiếu có thể tiếp tục các bước trên để pha bột và keo cho tới khi đạt yêu cầu sử dụng.
Thực hiện công đoạn lắp các nắp của hầm biogas composite
- Bôi keo đã được trộn từ trước vào mép vành bên ngoài của nắp dưới. Trong quá trình thực hiện nên sử dụng công cụ chèn vào nắp cho đỡ bị di chuyển. Độ dày lớp keo rơi vào khoảng 2 cm.
- Đậy nắp trên lên phần nắp dưới vừa trét keo sao cho hai nắp vừa khít nhau, trong quá trình ấy nên ước tính chuẩn vị trí của hai nắp sao cho trùng khít để khi đặt xuống hạn chế việc di chuyển làm cho lớp keo rớt xuống nhiều.
- Cố định bằng ốc. Số lượng ốc cần lắp khoảng 10 ốc để cố định bể, khi vặn ốc nên dùng tay nhưng tránh vặn chặt sẽ khiến keo bị tràn làm bể bị hở.
Đặt hầm biogas tới vị trí hố đã đào
Chờ tới khi keo khô (thường rơi vào tầm 1- 2 tiếng đồng hồ) các mối nối được liên kết chặt chẽ và hầm đã thành một thành phẩm hoàn chỉnh thì nghĩa là đã đến lúc hạ bể xuống hố đã đào. Lớp cát đen được lót dưới đáy bể dày ít nhất là 20cm, sau đó sử dụng hai cây tre dài 4m đặt ngang với mặt hố và thẳng với nhau, rồi buộc 4 đoạn thừng vào 4 con ốc ở bể, sào được kéo ra thì 4 người cầm 4 đầu dây sẽ điều chỉnh hạ bể nhẹ nhàng xuống hố.
Lấp hầm biogas bằng đất xung quanh
Khi đã đảm bảo độ kín khí thì lấp đất để hoàn thành việc đặt hầm xuống vị trí cố định đã được thiết kế từ trước. Lấp đất cho phẳng để vẫn đảm bảo cho việc hoạt động phía trên, ở các cửa hay các bể nạp và bể điều áp cần có vật dụng che đậy.
Đặt đường dẫn nguyên liệu nạp và lắp ống thu khí
Đục 1 lỗ trên chính giữa bể phân giải để lắp ống thu khí. Lắp khóa gas trên đầu ống và sử dụng dây dẫn khí gas đến nơi cần sử dụng khí gas như bếp, bình nóng lạnh,…
Trên đây là các bước cơ bản trong quá trình lắp đặt hầm biogas composite. Hy vọng có thể giúp ích cho bạn!